Đăng nhập | Đăng ký Giờ làm việc: 8h00 - 21h00 | Thứ 2 - Chủ Nhật
Trang chủ Tư vấn tiêu dùng 6 chú ý khi mua đèn Pin

6 chú ý khi mua đèn Pin

10/12/2017

Tìm hiểu về đèn Pin siêu sáng và 6 chú ý khi mua  đèn pin. Như rất nhiều bài viết trước, tính hiệu dụng của một chiếc đèn pin không chỉ phụ thuộc vào thông số lumens mà còn ảnh hưởng rất nhiều yếu tố khác. Trong một rừng các thông số đó, người tiêu dùng quá khó khăn để lựa chọn cho mình 1 chiếc đèn pin ưng ý hay phù hợp với nhu cầu của mình.

Nhằm giải quyết vấn đề đó, hệ thống số đo hiệu suất đèn pin lần đầu tiên trên thế giới được thiết lập có tên gọi là ANSI/NEMA FL 1-2009 Flashlight Basic Performance Standard, là một bảng tập hợp các số đo được phát triển dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội các nhà sản xuất điện Quốc Gia Hoa Kỳ National Electrical Manufacturers Association (NEMA) theo tiêu chuẩn của Viện tiêu chuẩn Hoa Kỳ American National Standards Institute (ANSI). 14 công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất đèn pin của Mỹ với những cái tên khá quen thuộc với các bạn như Streamlight, Surefire, Coast (chi nhánh tại Mỹ của Led Lenser), Energizer, Duracell.v.v.. đã phát triển nên hệ thống chuẩn hóa các thông số của một chiếc đèn pin gồm các thông số: Quang thông, Thời gian hoạt động, Cường độ sáng, Khoảng cách rọi xa, Mức độ chịu nước, Mức độ chịu va đập.

Bảng tiêu chuẩn này được áp dụng theo hình thức tự nguyện, tức là các công ty có quyền đưa ra thông số theo tiêu chuẩn này hoặc không. Thông thường nó sẽ được in trên bao bì của sản phẩm với những logo đặc trưng. Hiện tại, một số nhà sản xuất đèn pin đã bắt đầu in các tiêu chuẩn ANSI/NEMA FL 1-2009 như Streamlight, Mag Intruments, Fenix, 4sevens… trên sản phẩm đóng gói của họ.

Phần tiếp theo xin giải thích về các thông số và cách đo.

Quang thông (Lumens):

Có một số điểm đáng lưu ý về tiêu chuẩn này, ví dụ ở số đo quang thông, thông số chỉ được đo sau 3 phút khi bật đèn, đây là thông số đo OTF (Out the front) lumen đo bằng thiết bị gương cầu. Cách đo này sẽ làm giảm thông số của gần như tất cả các loại đèn pin, ví dụ Fenix TK12 R5 theo cách đo cũ là 280 lumens nhưng cách đo mới chỉ còn 245 lumens. Hoặc Fenix LD 20 R5 mới ra lại ghi thông số lumens 180 thấp hơn Fenix LD 20 R4 205 lumens.

Thời gian hoạt động (Run time):

Thời gian sử dụng được đo khi đèn còn 10% cường độ sáng, ở cách đo cũ là 50%. Trong thực tế, khoảng thời gian từ 50% xuống 10% đối với một chiếc đèn pin cao cấp thường nhanh hơn nhiều so với thời gian từ 100% xuống 50%. Do vậy, sự khác biệt này không đáng kể ở chế độ cao nhất, chỉ khoảng 5 đến 15 phút tùy mẫu đèn, loại pin.

Cường độ sáng (Peak beam intensity):

Một thông số mới là cường độ sáng cd (Candela), đo ở phần tia sáng nhất của chiếc đèn pin, thông thường sẽ nằm ở điểm giữa. Bạn hãy để ý thông số này, cùng một chiếc đèn pin có quang thông 200 lumen, chiếc đèn nào có cường độ sáng cd lớn hơn có nghĩa nó sẽ sáng hơn.

Khoảng cách rọi xa (Beam distance):

Khoảng cách rọi xa là một thông số phụ thuộc vào candela, một số hãng tính toán dựa vào đại lượng cd như 4sevens, nhưng một số hãng lại đo thực tế như Energizer, có thể hiểu là khoảng cách rọi này đến vật thể rọi sẽ tương đương ánh sáng mặt trăng lúc lớn nhất 0.25 lux, mặc dù trên thực tế chẳng ai có thể nhìn được vật thể ở khoảng cách này.

Mức độ chịu nước (Water resistant):

Thông số mức độ chống nước chỉ có 3 tiêu chuẩn IPX: IPX4 – chống nước hắt vào ví dụ như nước mưa, IPX7 – ngâm dưới 1 mét nước tối thiểu 30 phút, tiêu chuẩn IPX8 cao nhất yêu cầu đèn phải hoạt động tốt khi ngâm nước tối thiểu 4 tiếng và trên 1 mét nước áp suất, các hãng sản xuất có thể ghi chi tiết độ sâu ngâm nước, ví dụ IPX8 – 10 meters tức là ngâm dưới 10 mét nước trong 4 tiếng.

Mức độ chịu va đập (Impact resistant):

Thông số chịu va đập yêu cầu có khoảng cách test thả rơi ghi kèm theo, điều kiện test là thả rơi ít nhất 6 lần đèn vẫn còn nguyên vẹn và hoạt động tốt.